Đảng Nhân dân Mông Cổ phát triển Cách_mạng_Mông_Cổ_1921

Damdin Sükhbaatar

Tin tức về việc Roman von Ungern-Sternberg chiếm Urga lại ảnh hưởng đến các kế hoạch của Xô viết. Một phiên họp toàn thể của Quốc tế cộng sản tại Irkutsk vào ngày 10 tháng 2 thông qua một nghị quyết chính thức nhằm hỗ trợ "cuộc đấu tranh của nhân dân Mông Cổ vì tự do và độc lập với tiền, súng, và huấn luyện quân sự".[27] Với hỗ trợ của Xô viết, Đảng Nhân dân Mông Cổ nay là một địch thủ mạnh trong cuộc tranh giành quyền lực. Cho đến đương thời, Đảng Nhân dân Cách mạng vẫn chưa định hình và liên kết lỏng lẻo, họ cần phải tổ chức và định nghĩa tư tưởng tốt hơn. Một đại hội đảng được bí mật tổ chức vào ngày 1–3 tháng 3 tại Kyakhta, phiên họp đầu tiên có 17 cá nhân tham gia, và con số tại phiên họp thứ nhì là 26. Đảng Nhân dân Mông Cổ thông qua việc thành lập một quân đội dưới quyền chỉ huy của Sükhbaatar cùng hai cố vấn người Nga, bầu một ủy ban trung ương với chủ tịch là Danzan cùng một đại diện từ Quốc tế cộng sản, và thông qua một bản tuyên ngôn đảng do một người Buryat tên là Jamsrangiin Tseveen soạn thảo.[28]

Ngày 13 tháng 3, một chính phủ lâm thời gồm 7 cá nhân được hình thành, sau đó người đứng đầu là Bodoo. Đến ngày 18 tháng 3, quân đội du kích Mông Cổ, nay có 400 người nhờ tuyển mộ và quân dịch, chiếm đơn vị đồn trú của Trung Quốc tại Mãi mại thành Kyakhta. Đảng Nhân dân nay có một sự tự tin mới, họ đưa ra một tuyên bố thành lập chính phủ, trục xuất người Hán, và hứa hẹn triệu tập một đại hội với "các đại diện của quần chúng" để bầu một chính phủ thường trực.[29] Một chiến tranh tuyên truyền giữa chính phủ lâm thời và triều đình của Bogd Khaan diễn ra sau đó: Đảng Nhân dân Mông Cổ truyền bá tờ rơi tại biên giới phía bắc kêu gọi nhân dân cầm vũ khí chống Bạch vệ; chính phủ của Bogd Khaan thì cảnh báo tại khu vực rằng những người cách mạng này có ý định phá hoại quốc gia Mông Cổ và làm tan vỡ các nền tảng thực sự của đức tin Phật giáo.[30]

Chính phủ Xô viết mới bị cộng đồng quốc tế cô lập, họ khao khát thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Xô viết phái một đại biểu đến Bắc Kinh; chính phủ Trung Quốc đáp lại bằng phái đại diện đến Moskva. Có lẽ lý do chính khiến Xô viết do dự trong việc hỗ trợ người Mông Cổ quá công khai là lo sợ phương hại đến các cuộc đàm phán này. Tuy nhiên, đến đầu năm 1921, những hạn chế để Liên Xô công khai hỗ trợ cho người Mông Cổ kết thúc khi Trung Quốc đình chỉ các cuộc thương thảo với chính phủ Xô viết vào tháng 1 năm 1921; chính phủ Trung Quốc dường như không có khả năng đối phó với Roman von Ungern-Sternberg; và vào đầu tháng 3 họ đã từ chối viện trợ quân sự của Xô viết nhằm kháng cự Bạch vệ. Đó cũng là lúc người Nga cam kết kiên quyết hỗ trợ cách mạng Mông Cổ.[31]

Biểu hiện vận chất của cam kết này là tăng cường số cố vấn và vũ khí Xô viết cho Đảng Nhân dân Mông Cổ trong tháng 3. Trong tháng 3 và 4, các đơn vị của Xô viết và Cộng hòa Viễn Đông chuyển đến Kyakhta, trong khi người Mông Cổ tăng gấp đôi số lượng binh sĩ du kích lên 800. Quân đội của Roman von Ungern-Sternberg tấn công Kyakhta vào đầu tháng 6, ông ta chạm trán với một số lượng binh sĩ Hồng quân lớn gấp vài lần số lượng của mình, và Bạch vệ bị đẩy lui với tổn thất nặng nề. Ngày 28 tháng 6, đại quân viễn chinh của Xô viết băng qua biên giới vào Mông Cổ, và đến ngày 6 tháng 7, các đơn vị Mông Cổ và Nga tiến vào Urga.

Những người cách mạng Mông Cổ lập tức hành động. Ngày 9 tháng 7, họ gửi một bức thư cho triều đình của Bogd Khaan, thông báo rằng quyền lực nay về tay nhân dân: "Rối loạn quyền lực hiện nay phần nhiều là do nhược điểm của các lãnh đạo [thế tập] do thực tế rằng các pháp luật và tình thế hiện hành không thuận theo dòng chảy phát triển lịch sử. Do đó, mọi thứ, ngoại trừ tôn giáo, sẽ là đối tượng cải biến dần."[32] Ngày hôm sau, Ủy ban trung ương Đảng ban ra một nghị quyết tuyên bố thành lập một chính phủ mới dưới quyền Bodoo, với Jebtsundamba Khutuktu là một quân chủ hạn chế. Ngày 11 tháng 7, Jebtsundamba Khutuktu cử hành nghi lễ nhậm chức quân chủ của Mông Cổ.